Danh nhân Nam Bộ
Nguyễn An Ninh
Giới thiệu về
danh nhân
Nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh sinh ngày 15 tháng 9 năm 1900 tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, (nay thuộc tỉnh Long An) trong một gia đình Nho giáo. Cha là ông Nguyễn An Khương (1860 – 1931), một trí thức nho học yêu nước, tinh thông Hán học, y học, chữ Quốc Ngữ. Hưởng ứng phong trào Đông Du và Duy Tân, ông sử dụng khách sạn Chiêu Nam Lầu do ông sáng lập từ cuối thế kỷ XIX làm cơ sở cho các phong trào yêu nước ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ XX. Mẹ là bà Trương Thị Ngự (1873 – 1911) ở xã Long Thượng, tỉnh Chợ Lớn. Bà được truy tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1995.
Hành trình của Nguyễn An Ninh
Từ một sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn An Ninh trở thành một chiến sĩ, một lãnh tụ có uy tín lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào yêu nước Việt Nam trong suốt gần 2 thập kỷ (từ 1923 đến 1943). Ông còn là nhà tư tưởng, nhà văn hoá và nhà báo lớn. Những tác phẩm của ông về tư tưởng chính trị, về tôn giáo và về văn hoá có ảnh hưởng sâu rộng đối với diễn trình lịch sử văn hoá – tư tưởng Việt Nam cận đại. Ông là một trong những người tiêu biểu nhất của lớp trí thức dũng cảm dấn thân, xả thân, đem hết tài năng, dũng khí và tính mạng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân.
15 - 9 - 1900
Sinh tại làng Long Thượng, tổng Phước Điền Thượng, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Cha: Ông Nguyễn An Khương một nhà nho yêu nước. Mẹ: Bà Trương Thị Ngự, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
1900 – 1910
Sống với ông ngoại (Cần Giuộc), học chữ nho.
1911 – 1916
Sống với cha mẹ, theo học các trường Taberd và Chasseloup Laubat nay là trường Lê Quý Đôn (Sài Gòn).
1916 – 1918
Học trường Cao Đẳng ở Hà Nội.
1918 – 1920
Học ngành Luật tại Đại học Sorbonne (Paris, Pháp). Tốt nghiệp cử nhân Luật. Cùng hoạt động với các nhà yêu nước, cách mạng: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền… Về nước.
1920 – 1922
Trở lại Pháp lần thứ hai, nhưng không bảo vệ luận án tiến sĩ mà hoạt động trong nhóm những nhà yêu nước tại Pháp. Biên tập cho báo Le Paria (Người cùng khổ)…
3 - 10 - 1922
Về nước, nắm tình hình quần chúng.
25 - 1 - 1923
Diễn thuyết lần đầu tiên trước công chúng Sài Gòn với chủ đề “Chung đúc nền học thức cho dân An Nam”.
Tháng 2 - 1923
Đi Pháp lần thứ 3 để mời Luật sư Phan Văn Trường về nước hợp tác làm báo.
Tháng 8 - 1923
Rời Pháp về Sài Gòn.
15 - 10 năm 1923
Diễn thuyết tại Hội quán Hội Khuyến học Nam Kỳ với chủ đề “Lý tưởng của thanh niên An Nam”.
10 - 12 - 1923
Sáng lập Báo La Cloche Fêlée – Chuông rè (bằng tiếng Pháp).
14 - 7 - 1924
Báo La Cloche Fêlée tạm đình bản sau khi phát hành được 19 số.
Tháng 1 -1925
Đi Pháp lần thứ 4 để đón cụ Phan Châu Trinh về nước theo nguyện vọng của Cụ.
Tháng 4 - 1925
In sách “Nước Pháp ở Đông Dương” gồm 2.000 cuốn, chuyển về nước 150 cuốn, số còn lại phát hành tại Pháp, tạp chí Europe (tạp chí Châu u) đăng toàn văn.
25 - 5 - 1925
Diễn thuyết tại Hội quán Sociétés Savantes (Hội học giả) ở Paris về “Tinh thần dân chủ của dân An Nam”.
26 - 6 - 1925
Cùng cụ Phan Châu Trinh về đến Sài Gòn. Cùng Mai Văn Ngọc thành lập tổ chức Thanh niên Cao Vọng – Hội kín Nguyễn An Ninh và vận động quần chúng tham gia.
24 - 11 - 1925
Tiếp tục xuất bản Báo La Cloche Fêlée và mời Tiến sĩ Luật sư Phan Văn Trường làm chủ nhiệm. Từ số 53 đến số 60 La Cloche Fêlée đăng toàn văn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
21 - 3 - 1926
Diễn thuyết tại cuộc mít-tinh hơn 1000 người ở Xóm Lách (đường Lanzarotte nay là đường Đoàn Công Bửu), kịch liệt lên án thực dân Pháp bắt bớ, giam cầm đồng bào, đòi phải tôn trọng, bảo đảm các quyền tự do quan hệ đến vinh dự làm người.
24 - 3 - 1926
Bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất.
23 - 4 - 1926
Bị thực dân Pháp kết án 2 năm tù vì tội kích động dân chúng nổi loạn.
6 - 5 - 1926
Báo La Cloche Fêlée đổi tên là Báo L’Annam (Nước Nam).
7 - 1 - 1927
Được trả tự do sau gần 10 tháng ở tù Khám Lớn (Sài Gòn).
8 - 8 - 1927
Đi Pháp lần thứ 5.
26 - 6 - 1925
Cùng cụ Phan Châu Trinh về đến Sài Gòn.
Cùng Mai Văn Ngọc thành lập tổ chức Thanh niên Cao Vọng – Hội kín Nguyễn An Ninh và vận động quần chúng tham gia.
24 - 11 - 1925
Tiếp tục xuất bản Báo La Cloche Fêlée và mời Tiến sĩ
Luật sư Phan Văn Trường làm chủ nhiệm. Từ số 53 đến số 60 La Cloche Fêlée đăng toàn văn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
6 - 1 - 1928
Cùng gia đình Nguyễn Thế Truyền trở về Sài Gòn.
4 - 1928
Cùng Phan Văn Hùm tổ chức lực lượng Thanh niên Cao Vọng tại các tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
28 - 9 - 1928
Bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai.
8 - 5 - 1929
Bị thực dân Pháp kết án năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân và phạt 1.000 quan về tội lập hội kín. Bị giam ở Khám Lớn cùng đồng chí Phạm Văn Đồng.
3 - 10 - 1931
Ra tù sau 3 năm bị giam.
Cuối năm 1931
Tiếp đoàn nhà báo Pháp do bà Andrée Viollis dẫn đầu.
Năm 1932
Xuất bản cuốn Tôn giáo. Viết Báo Trung Lập. Cùng đồng chí Nguyễn Văn Trân đi bán dầu cù là.
24 - 4 - 1933
Sáng lập Báo La Lutte (Tranh đấu) để cổ động cho “Sổ Lao động”, ứng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn.
Ngày 8 đến 18/8/1933
Tiếp đoàn Đại biểu phong trào hòa bình chống chiến tranh tháng 8 năm 1933 do Paul Vaillant Couturier một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp dẫn đầu.
Tháng 1 -1934
Tiếp phái đoàn công nhân điều tra do Gabriel Péri – Nghị sĩ Cộng sản trong Quốc hội Pháp dẫn đầu sang Đông Dương.
4 - 10 - 1934
Tiếp tục xuất bản Báo La Lutte (bộ mới từ số 5) do nhóm “La Lutte” chủ trì theo sự dàn xếp của Nguyễn An Ninh.
Năm 1936
Đề xuất tổ chức Đông Dương Đại hội và viết bài “Tiến tới một cuộc Đại hội Đông Dương” trên Báo La Lutte số 92 ra ngày 29 tháng 7 năm 1936.
27 - 9 - 1936
Bị thực dân Pháp bắt lần thứ 3, bị giam tại Khám Lớn cùng với đồng chí Nguyễn Văn Tạo và Tạ Thu Thâu. Tuyệt thực 11 ngày để phản đối.
5 - 11 - 1936
Quần chúng tại Sài Gòn, Chợ Lớn, ở tỉnh Gia Định và nhiều vùng nông thôn, có sự hỗ trợ của báo chí tiến bộ liên tục lên tiếng phản đối và đòi trả tự do. Ngày 5 tháng 11, thực dân Pháp buộc trả tự do cho Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo.
Năm 1937
Bút chiến với Tạ Thu Thâu trên Báo La Lutte.
7 - 5 - 1937
Có mặt ở Càn Long (Trà Vinh) cùng với Nguyễn Văn Nguyễn đề vận động điền chủ đóng góp ra tờ báo L’Avant Garde (Tiền Phong). Bị thực dân Pháp vụ cáo là kích động dân chúng biểu tình, bắt ra hầu tòa nên bỏ trốn.
21 - 5 - 1937
Thống đốc Nam Kỳ phát lệnh truy nã.
5 - 9 - 1937
Bị thực dân Pháp bắt lần thứ tư. Bị thực dân Pháp kết án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ. Sau khi kháng án, án rút xuống còn 2 năm tù và 5 năm biệt xứ. Ngồi tù lần thứ tư.
Năm 1937
Bút chiến với Tạ Thu Thâu trên Báo La Lutte.
7 - 5 - 1937
Có mặt ở Càn Long (Trà Vinh) cùng với Nguyễn Văn Nguyễn đề vận động điền chủ đóng góp ra tờ báo L’Avant Garde (Tiền Phong). Bị thực dân Pháp vụ cáo là kích động dân chúng biểu tình, bắt ra hầu tòa nên bỏ trốn.
18 - 2 - 1939
Mãn hạn tù nhưng còn bị quản thúc ở Mỹ Tho cùng đồng chí Nguyễn Văn Tạo.
Tháng 4 - 1939
Ứng cử Hội đồng quản hạt theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.
4 - 10 - 1939
Bị thực dân Pháp bắt lần thứ năm. Tòa án quân sự Pháp xử kín, kết án 5 năm tù và 10 năm đày biệt xứ.
10 - 12 - 1940
Bị đày ra Côn Đảo.
14 - 8 - 1943
Hy sinh lúc 43 tuổi tại Côn Đảo.
1 - 8 - 1980
Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy nhận Liệt sĩ.
Tác phẩm
Ngoài những bài diễn thuyết, bài báo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, các tác phẩm nổi tiếng của N.A.N có thể kể đến như: Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine) (1925), Hai Bà Trưng (tuồng hát) (1928), Tôn giáo (1932) và Phê bình Phật giáo (1937)…
La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè) và L’Annam (Nước Nam) là những tờ báo do Nguyễn An Ninh sáng lập, gồm 182 số:
Số đầu tiên ra ngày 10/12/1923. Số cuối cùng (182) ra ngày 2/2/1928.
Hai Bà Trưng (Tuồng hát)
Tuồng hát “Hai Bà Trưng” là tài liệu học tập phân phát cho cốt cán của tổ chức “Thanh niên Cao Vọng”, được Nguyễn An Ninh viết ngụy trang dưới dạng tuồng hát, do đó không bán ra ngoài, mà chỉ lưu hành trong nội bộ tổ chức.
Sách in tại nhà in Bảo Tồn, tháng 8/1928, thuộc danh mục sách cấm thời đó.
Tôn giáo
Tôn giáo là cuốn thứ nhất của bộ sách “Sao Mai” theo dự định của Nguyễn An Ninh, như ông đã viết ở trang cuối cùng của cuốn này. Ông viết quyển sách này sau khi ra tù lần thứ hai; bị mật thám theo sát nên ông về Hóc Môn viết sách lúc rảnh rỗi. Sách in tại nhà in Bảo Tồn, in xong tháng 6/1932. Số lượng in 2.000 bản.
Phê bình Phật giáo
Cuốn Phê bình Phật giáo do Đông phương thư xã, cơ quan Tuyên Huấn của Xứ ủy Nam Kỳ ĐCSĐD chịu trách nhiệm xuất bản. Nguyễn An Ninh viết xong tác phẩm này tại Mỹ Hòa, tỉnh Gia Định tháng 4/1937. Chưa kịp in thì ông bị truy nã và bị tù lần thứ 4. Bà Nguyễn An Ninh viết lời tự và xuất bản vào tháng 5/1938, khi ông còn nằm trong tù. Không rõ số lượng bản in
Lý tưởng của thanh niên An Nam (L’idéal de la Jeunesse Annamite)
Toàn văn bài diễn thuyết lần thứ hai tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, 34 Aviateur Garros Sài Gòn (nay là đường Thủ Khoa Huân, lúc 20 giờ ngày 15 tháng 10 năm 1923, tiêu đề “L’idéal de la Jeunesse Annamite” (Lý tưởng của Thanh niên An Nam) được đăng trên báo LA CLOCHE FÊLÉE số 5 và số 6, ngày 7 và
14 tháng giêng năm 1924, sau đó N.A.N dịch cả bài này ra tiếng Việt để in thành sách khổ nhỏ bỏ túi.
Nước Pháp ở Đông Dương (La France en Indochine)
Nguyễn An Ninh viết bằng tiếng Pháp xong cuối năm 1924. Được in tháng 4 năm 1925, nhân dịp ông sang Pháp lần thứ tư để đón cụ Phan Châu Trinh về nước. In tại Paris 2000 quyển. Nhờ ông Nguyễn Thế Truyền phát hành tại Paris 1850 quyển, và gửi về Việt Nam 150 quyển qua đường dây thủy thủ. Nhà văn lớn của Pháp Romain Rolland, người sáng lập tạp chí "Europe", bạn thân của Nguyễn An Ninh, đã cho đăng toàn văn trên tạp chí Europe năm 1925. Khi về nước Nguyễn An Ninh cho đăng toàn văn trên báo "La Cloche Fêlée" từ số 20 đến số 23 (ngày 26/11 - 7/12/1925).
“...Nguyễn An Ninh là một nhà yêu nước vĩ đại, là một trí thức tầm cỡ, nếu chịu khuất phục bọn đế quốc, chắc chắn ông sẽ giàu có và sống vương giả. Nhưng vì yêu nước, thương dân, ông đã đi vào quần chúng lao khổ, vận động họ chống lại đế quốc
và tay sai..."
Nguyễn Văn Linh – Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
khám phá
Thư viện danh nhân
Nam Bộ là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi sản sinh những người con ưu tú góp phần làm rạng danh Tổ quốc. Vì vậy, dự án đã số hóa, lưu giữ lại những tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý, giúp cho học sinh, sinh viên, những nhà nghiên cứu và người quan tâm, có mong muốn tìm hiểu về những người anh hùng dân tộc và công cuộc cách mạng đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.