Danh nhân Nam Bộ
Nguyễn Hữu Thọ
Giới thiệu về Nguyễn Hữu Thọ
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10/7/1910, luật sư là người con ưu tú của Long An. Ông tham gia cách mạng năm 1947, nhiều lần bị địch bắt, tù đày nhưng điều đó không ngăn được ông đi theo con đường giải phóng dân tộc. Sau khi đất nước thống nhất, ông có nhiều đóng góp to lớn cho nước nhà, được bầu giữ nhiều chức vụ quan trọng: Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác cả trong và ngoài nước. Luật sư qua đời vào ngày 24/12/1996, nhưng tên tuổi và công lao của ông vẫn được nhắc đến và tôn vinh đến ngày nay.
Hành trình
Nguyễn Hữu Thọ
1920
Quá trình học tập
Thuở nhỏ ông theo học tại trường tiểu học Long Mỹ, Rạch Giá. Đến 11 tuổi, năm 1921 ông được gia đình cho sang Pháp học tại trường Trung học Miguet.
1932
Tốt nghiệp tại Pháp
Sau đó năm 1932, ông tốt nghiệp cử nhân Luật tại trường Đại học Luật Aix En Provence.
1933
Học Pháp và trở về phục vụ cho đất nước
Tháng 5-1933, Nguyễn Hữu Thọ về nước, năm 1934, ông tập sự tại văn phòng Luật sư Duquesnay (Mỹ Tho).
1939
Mở văn phòng luật sư
Năm 1939, ông trở thành một luật sư thực thụ, mở văn phòng luật sư tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ.
1940
Lập gia đình
Năm 1940, ông lập gia đình với cô Dương Thị Chung (sinh năm 1922, quê Sa Đéc, nữ sinh trường Áo Tím).
1946
Biến động lịch sử
Biến động lịch sử những năm 1940-1945: Nam Kỳ khởi nghĩa, Cách mạng tháng Tám,… đã thôi thúc luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia các hoạt động của tổ chức Thanh niên Tiền phong như truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ngoài Bắc,…
Bênh vực lẽ phải, luôn đứng về phía đồng bào, ở tuổi 30, Nguyễn Hữu Thọ đã trở thành vị luật sư danh tiếng.
1946
Hoạt động yêu nước trong lòng địch
Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, năm 1946 chính quyền thực dân bổ nhiệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chánh án tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long. Ông tiếp tục tham gia các hoạt động yêu nước của trí thức Nam Bộ.
1947
Dấn thân vào con đường cách mạng
Năm 1947, trong một chuyến đi, ông bị du kích bắt tại Trung Lương (Mỹ Tho). Theo đề nghị của ông, luật sư được đưa về chiến khu Đồng Tháp Mười gặp lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ. Chuyến đi vào chiến khu Đồng Tháp Mười – “thủ đô” kháng chiến Nam Bộ – ấy, đối với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đã tạo một bước ngoặt lớn, ông quyết định: dấn thân trên con đường cách mạng.
1947
Mở rộng hoạt động cách mạng
Nhận thấy hoạt động ở tỉnh nhỏ sẽ rất hạn chế, năm 1947, Nguyễn Hữu Thọ từ chức Chánh án tòa Vĩnh Long lên Sài Gòn mở Văn phòng luật sư – nơi gặp gỡ và hoạt động của nhiều nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn, đã vận động và cùng hàng trăm nhân sĩ trí thức ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn – Chợ Lớn yêu cầu Chính phủ Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để sớm chấm dứt chiến tranh.
1949
Chính thức trở thành Đảng viên
Ngày 16.10.1949, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
1950
Lãnh đạo cuộc biểu tình chống thực dân Pháp
Ông được cử làm trưởng Phái đoàn đại biểu các giới, đấu tranh công khai đòi các quyền dân sinh dân chủ cho các tầng lớp đồng bào, phản đối thực dân Pháp bắt giam 22 trí thức và công chức trong Hội Liên Việt Sài Gòn- Chợ Lớn, tổ chức cứu trợ nạn nhân hỏa hoạn ở Bàu Sen,…
1950
Biểu tình chống Mỹ can thiệp vào nước ta
Ngày 19 tháng 3 năm 1950, một cuộc mít tinh khổng lồ được Phái đoàn đại biểu các giới tổ chức tại trường Tôn Thọ Tường. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã báo cáo về kết quả đấu tranh về những yêu sách của Phái đoàn đại biểu các giới. Bị cảnh sát đàn áp, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành rầm rộ trên đường phố Sài Gòn chống Mỹ can thiệp vào nước ta.
1950
Khởi đầu của sự giam cầm
Ngay tối 19.3.1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn. Ngày 27.3, nhà cầm quyền đưa ông ra tòa xét xử.
Ngày 28.3.1950, tòa án buộc phải trả tự do “tạm” cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Ngày 12.4.1950, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị Ty Công an địch bắt giam (lần 2).
1951
Luật sư được trả tự do
Tháng 10 năm 1951, trước nhiều kiến nghị phản đối của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng thời, bị quân ta uy hiếp ở Mường Tè,Thủ tướng Trần Văn Hữu ra nghị định chuyển ông về quản thúc tại Sơn Tây.
Tháng 11.1952, thực dân và bù nhìn Bảo Đại phải trả tự do cho luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông về lại Sài Gòn, tiếp tục biện hộ trước tòa cho đồng bào và những cán bộ kháng chiến bị địch bắt.
1954
Hoạt động yêu nước trong lòng địch
Ngày 15.11.1954, lần lượt Nguyễn Hữu Thọ cùng nhiều thành viên tích cực của Phong trào Hòa bình bị bắt giam ở nhà lao Gia Định.
Ngày 9.2.1955, Diệm ra nghị định cưỡng bách cư trú đối với luật sư Nguyễn Hữu Thọ và 25 vị trong đoàn Hòa Bình tại Hải Phòng.
Ngày 24.4.1955, ông và một số vị trong Phong trào bảo vệ Hòa bình tiếp tục bị đưa đi quản thúc ở Phú Yên.
1959
Vị chủ tịch còn thiếu...
Năm 1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 2 ra Nghị Quyết 15 để ra Đường lối cách mạng miền Nam.
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, nhưng chưa có người đứng đầu. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một nhân vật tiêu biểu, có thể lãnh trọng trách Chủ tịch Mặt trận còn đang bị địch quản thúc ở Tuy Hòa, Phú Yên.
1961
Kế hoạch "Chị Nghĩa"
Thực hiện chỉ thị của Trung ương và Khu ủy khu 5, tỉnh ủy Phú Yên triển khai kế hoạch “chị Nghĩa” (mật danh kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ). Đây là nhiệm vụ khẩn cấp nhưng đầy khó khăn, đến lần thứ ba, ngày 30.10.1961, các cơ sở cách mạng, lực lượng vũ trang thị xã Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên đã giải thoát thành công luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông được đưa về chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Ở tuổi 52, sau hơn 10 năm bị lưu đày, sức khỏe suy yếu nhưng tinh thần luật sư vẫn rất minh mẫn.
1962
Trở thành Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam
Về đến căn cứ, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, đã tập trung trí tuệ tham gia soạn thảo Báo cáo chính trị – văn bản pháp lý đầu tiên – của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 16.2.1962 đã chính thức bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam.
1965
Chiến lược chống lại "chiến tranh cục bộ"
Cùng với Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh miền, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đề ra chiến lược, sách lược mới trong tình hình đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965-1967), đưa quân Mỹ và đồng minh vào tham chiến trực tiếp ở Việt Nam.
1967
Đại hội bất thường
Mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, ngày 20.8.1967, chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ chủ trì Đại hội bất thường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thông qua Cương lĩnh chính trị mới nhằm liên hiệp hành động với mọi lực lượng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi trong và ngoài nước, giành những thắng lợi quyết định.
1968
Chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn
Hội đàm Paris
Sau khi quân Giải phóng đồng loạt tấn công vào tận hang ổ đầu não chỉ huy chiến tranh của Mỹ và chính quyền tay sai, mà đỉnh cao là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đã buộc Mỹ – chính quyền Sài Gòn phải ngồi vào bàn Hội đàm Paris thương lượng hòa bình với sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
1968
Dẫn đoàn tham gia Hội nghị Hiệp thương
Ngày 3, 4, 5 tháng 11.1968, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã dẫn đầu đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị Hiệp thương với đoàn đại biểu Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, cùng nhau thống nhất hành động, mở rộng hơn nữa mặt trận đoàn kết toàn dân, nhằm thực hiện sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
1969
Thành lập Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Tháng 6.1969, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam do Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam triệu tập đã thành lập Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Hội đồng cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch và luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó chủ tịch.
1969
Bác Hồ kính yêu đã từ trần
Ngày 3.9.1969, cả nước được tin buồn: Bác Hồ kính yêu đã từ trần.
Ngày 5.9.1969, Đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu ra thủ đô Hà Nội dự lễ tang Bác Hồ.
1970
Xây dựng mối quan hệ liên minh ba
nước Đông Dương
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại và xây dựng mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết các nước, chú trọng liên minh ba nước Đông Dương.
(Từ trái sang) Thái tử N. Sihanouk (Campuchia), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Souphanouvong (Lào) tại Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương (1970).
1973
Dẫn đoàn tham gia Hội nghị Hiệp thương
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lập trụ sở tạm thời tại Quảng Trị. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp đón nhiều vị đại sứ đến trình Quốc thư, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, thăm hữu nghị nhiều nước, nâng cao vị thế quốc tế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
1973
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" buộc Mỹ phải ngồi vào bàn Hội đàm Paris
Từ ngày 18/12 đến 30/12/1972, Mỹ sử dụng máy bay B-52 ném 10 vạn tấn bom xuống các tỉnh miền Bắc. Nhưng bằng ý chí kiên cường, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
1974
Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam
Trước tình hình Mỹ, chế độ Sài Gòn vẫn ngoan cố vi phạm Hiệp định Paris, và nhận định thời cơ chiến lược đã tới, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng miền Nam.
1975
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" buộc Mỹ phải ngồi vào bàn Hội đàm Paris
11 giờ 30 phút ngày 30.4.1975, các cánh quân và lực lượng chính trị cách mạng tiến vào dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Tôn Đức Thắng và Chủ tịch Hội đồng cố vấn CPCMLTCHMNVN Nguyễn Hữu Thọ trong cuộc mít tinh của nhân dân Sài Gòn mừng chiến thắng tại Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) ngày 15.5.1975.
1975
Thống nhất đất nước, hai miền Nam Bắc
Sau khi giành được độc lập, tháng 11.1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc được tổ chức. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tham gia Hội nghị, xác định ý nghĩa, quan điểm, nội dung, và đóng góp nhiều trong việc chọn, mời các nhân sĩ trí thức tiêu biểu của miền Nam, xác định vấn đề thống nhất đất nước, tạo sự tin tưởng và đoàn kết trong nhân dân hai miền Nam Bắc.
1976
Đại biểu Quốc hội khóa VI và được bầu làm Phó Chủ tịch nước CHXHCNVN
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI (24.6 – 3.7.1976), bầu Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, hai Phó chủ tịch nước: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ.
Từ ngày 14.12.1976 đến ngày 20.12.1976, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia vào việc tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước, xác định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa.
1980
Quyền Chủ tịch nước CHXHCNVN
Sau khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất, ngày 5.4.1980, Quốc hội khóa VI đã bầu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ giữ Quyền Chủ tịch nước. Ông đã dành nhiều thời gian tâm huyết, trí lực cho việc soạn thảo Hiến pháp mới.
1988
Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ở tuổi 78, tháng 11.1988, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 8 năm 1994, Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam suy tôn luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
1993
Trở lại thăm Phú Yên và Lai Châu
Năm 1993, ông xúc động khi trở lại thăm Phú Yên và Lai Châu, gặp lại những người đã bảo vệ cuộc sống của ông lúc bị quản thúc, đã tiếp thêm sức mạnh đấu tranh cho ông, đã giải thoát ông khỏi nanh vuốt kẻ thù.
1996
Sự ra đi của một nhân vật lớn: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mất tại TP.HCM
Từ năm 1994, tuy sức khỏe bị suy yếu do tai biến mạch máu não, luật sư vẫn dành sự quan tâm đến hoạt động của thanh thiếu niên và Quốc hội. Ông đã sống hết lòng với gia đình, đất nước,… cho đến phút cuối cùng: 20 giờ 40 phút ngày 24.12.1996, luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ biệt cõi đời trong sự kính thương và tiếc nuối vô hạn của xgia đình, đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế.
Ngày nay
Còn mãi với thời gian
Hình ảnh của “ông Hòa bình”, vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước,…- một con người “tài cao, đức trọng, với lòng nhân hậu và cuộc sống giản dị, thanh bạch,… gần gũi và đáng tin cậy với mọi người” -,…(Trích lời Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trần Chí, 1995): Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, như còn mãi với thời gian.
Bảo tàng VR trực tuyến
Bảo tàng số lưu giữ những kỷ vật, hình ảnh ghi dấu hành trình của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Đền tưởng niệm tại Long An
Triển lãm bao gồm Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Khu di tích nhà thân sinh tại Long An của Luật sư.
Phòng trưng bày tại nhà riêng
Phòng trưng bày tại nhà riêng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ số 167 Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3, TP HCM.
“Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác”
Nguyễn Hữu Thọ
khám phá
Thư viện danh nhân
Phasellus vitae volutpat donec at felis mauris tincidunt elit vel eu aenean commodo, tincidunt elementum et dictum scelerisque tempus amet eget viverra lectus tristique suspendisse tortor feugiat eu lacinia sed elementum in iaculis sapien cursus odio massa gravida ut molestie sed vel senectus donec nunc nunc nec laoreet.